![]() |
Trong nhiều năm qua, rất nhiều trường hợp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bị cấp sai quy định. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, việc đính chính GCNQSDĐ đối với diện tích đất vườn, ao trong khu dân cư mà trước đây cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp với thời hạn lâu dài, theo Điều 20, Luật Đất đai năm 1993, sửa đổi năm 1998, năm 2001; Điều 67, Luật Đất đai năm 2003 và Điều 126, Luật Đất đai năm 2013 quy định đất nông nghiệp có thời hạn sử dụng là 20 năm, 50 năm theo các thời kỳ.
Trong Văn bản số 1865/STNMT-QLĐĐ ngày 15/9/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình đã chỉ ra những căn cứ quy định về thời hạn sử dụng đất lâu dài và đất nông nghiệp sử dụng có thời hạn. Tuy nhiên, hình thức sửa đổi nội dung sai trước đây theo hình thức đính chính là chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 106, Luật Đất đai năm 2013. Việc đính chính GCNQSDĐ đã cấp có vườn, ao trong thửa đất ở đã được UBND các huyện, thành phố thực hiện theo thẩm quyền, các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không vi phạm các quy định về thẩm quyền ký đính chính GCNQSDĐ đã cấp.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các giấy chứng nhận đã cấp có đất vườn, ao thời hạn sử dụng lâu dài trên địa bàn tỉnh hầu hết do UBND cấp huyện cấp với số lượng nhiều, thời gian từ lâu hàng chục năm. Hiện nay, nhiều giấy chứng nhận có nhiều thửa đất bao gồm cả thửa đất vườn, ao ghi thời hạn lâu dài được người dân đăng ký thế chấp tại ngân hàng...
Trước thực tế đó, các địa phương đề xuất cần có lộ trình từng bước khi thu hồi GCNQSDĐ cấp không đúng quy định. Bởi lẽ, cần có thời gian để rà soát, tổng hợp các giấy chứng nhận có đất vườn, ao ghi lâu dài và xây dựng kế hoạch tổng thể để xử lý trên toàn bộ địa bàn và thông báo cho người dân để chủ động phối hợp với chính quyền làm thủ tục thu hồi, cấp lại GCNQSDĐ.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 138/UBND-VP3 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Trong đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo phân cấp quản lý; nhất là việc đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, cấp GCNQSDĐ, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của người dân, các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn.
Anh Tú